Đặc trưng của nước thải sinh hoạt nhà chung cư:
Nước thải từ các nhà chung cư thông thường chính là nước thải sinh hoạt, chủ yếu phát sinh từ các nguồn chính sau:
+ Nước thải nhiễm bẩn do các chất bài tiết: nước tiểu, nước phân...từ bồn cầu nhà vệ sinh
+ Nước thải từ các hoạt động sinh hoạt khác: nước rửa sơ chế thực phẩm, nước rửa bát...từ nhà bếp, nước thải tắm giặt, vệ sinh nhà cửa, phòng tắm....
Nhìn chung, nước thải từ nhà chung cư có các đặc trưng cơ bản của nước sinh hoạt với các thành phần ô nhiễm chủ yếu là: cặn lơ lửng, các chất hữu cơ (BOD, COD), chất dinh dưỡng (ni tơ, phốt pho), mùi, vi sinh vật gây bệnh...Mức độ ô nhiễm tùy thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô, đặc tính sinh hoạt, tập quán của người dân...
Yêu cầu nước thải sau hệ thống xử lý:
Nước thải sau hệ thống xử lý bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn xả thải quy định theo QCVN14:2008/BTNMT
Một số ưu tiên khi lựa chọn hệ thống xử lý:
Hạn chế sử dụng hóa chất trong quy trình xử lý;
Hiệu quả xử lý và tính ổn định cao;
Quy mô hệ thống gọn nhẹ, tiết kiệm diện tích mặt bằng;
Chi phí vận hành hợp lý;
Vận hành tự động, cần ít thao tác giám sát, kiểm soát của nhân công vận hành;
Dễ dàng và thuận lợi trong việc nâng cấp công suất hệ thống xử lý.
Phương án công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt hiệu quả:
Với thành phần tính chất đặc trưng như trên, muốn xử lý nước thải sinh hoạt đạt yêu cầu xả thải chúng tôi lựa chọn kết hợp nhiều phương pháp xử lý trong một công trình gồm: phương pháp cơ học – phương pháp hóa lý – phương pháp sinh học, tất cả được tích hợp trong công trình bê tông cốt thép hoặc thiết bị xử lý nguyên khối.
Do quỹ đất xây dựng dành cho các khu chung cư là hạn chế, nên chúng tôi lựa chọn các công trình xử lý một phần xây dựng bê tông cốt thép kết hợp với bồn xử lý sinh học MBBR bằng composite, có thể đặt ngay dưới tầng hầm của các tòa nhà hoặc đặt phía bên ngoài dưới lòng đường nội bộ, khuôn viên cây xanh...để tiết kiệm diện tích và đảm bảo mỹ quan.
Sơ đồ dây chuyền công nghệ hệ thống XLNT khu chung cư - Công suất 600 m3/ng.đ
* Mô tả và quy cách các đơn vị công nghệ trong hệ thống
Thu gom nước thải:
Nước thải sinh hoạt phát sinh từ nhiều nguồn được xử lý sơ bộ (song chắn rác, bể tách mỡ…) và được thu gom tập trung về bể điều hòa.
Bể điều hòa:
Bể điều hòa có chức năng thu gom, ổn định nước thải trước khi cấp vào các bể xử lý tiếp theo. Bể được xây dựng ở độ sâu phù hợp để có thể thu gom được các nguồn nước thải tự chảy về và thường được xây bằng bê tông cốt thép.
Trong bể điều hòa lắp đặt giàn ống cấp khí thô giúp đảo trộn và chống mùi hôi. Lắp đặt bơm chìm để cấp nước vào các bể xử lý tiếp theo.
Xử lý sinh học triệt để bằng công nghệ AO-MBBR:
Công nghệ AO-MBBR bao gồm bể vi sinh thiếu khí và hiếu khí nối tiếp nhau để xử lý tổng hợp: khử BOD, nitrat hóa (nitrification), khử NH4+ và khử NO3- thành N2 (denitrification), khử Phospho, khử mùi hôi…
- Phương pháp hiếu khí:Phương pháp này thường được sử dụng để xử lý nước thải có nhiễm amoni, chất hữu cơ.
Nguyên tắc: Sử dụng các vi sinh vật để oxy hóa amoni, các hợp chất hữu cơ và vô cơ có khả năng chuyển hóa sinh học. Đồng thời chính các vi sinh vật sử dụng một phần hữu cơ và năng lượng khai thác được từ quá trình ôxy hóa để tổng hợp nên sinh khối của chúng.
Quá trình oxy hóa amoni trong xử lý hiếu khí
Xử lý amoni theo phương pháp vi sinh vật thành hợp chất bền là N2 trải qua chặng đường vòng: oxy hóa hợp chất nitơ có hóa trị -3 trong hợp chất amoni lên hóa trị +5 trong nitrat, rồi sau đó lại khử từ hóa trị dương về hóa trị không (N2) chứ không thể oxy hóa trực tiếp từ hóa trị -3 về hóa trị không.
Oxy hóa amoni với tác nhân oxy hóa là oxy phân tử còn có tên gọi là nitrat hóa (nitrification), được hai loại vi sinh vật thực hiện kế tiếp nhau:
NH4+ + 1,5 O2 -> NO2- + 2 H+ + H2O (1)
NO2- + 0,5 O2 -> NO3- (2)
NH4+ + 2 O2 -> NO3- + 2 H+ + H2O (3)
Phản ứng (1) được vi sinh vật Nitrosomonas và (2) được vi sinh Nitrobacter thực hiện để sản xuất năng lượng cho các hoạt động của chúng. Cả hai loại vi sinh trên thuộc loại hiếu khí tự dưỡng (Nitrifiers) vì phản ứng nitrat hóa xảy ra trong môi trường có mặt oxy phân tử (hiếu khí) và nguồn cacbon (cơ chất) vi sinh sử dụng để xây dựng tế bào có nguồn gốc từ hợp chất vô cơ.
- Phương pháp thiếu khí: Phương pháp này được sử dụng để khử nitrat thành nitơ.
Tác nhân sinh học của quá trình xử lý vi sinh thiếu khí là các vi sinh vật có tên chung là Denitrifier bao gồm ít nhất là 14 loại vi sinh vật, ví dụ Bacillus, Pseudomonas, Methanomonas, Thiobacillus. Phần lớn vi sinh trên thuộc loại tùy nghi với nghĩa là chúng sử dụng oxy hoặc nitrat, nitrit làm chất oxy hóa (nhận điện tử trong các phản ứng sinh hóa) để sản xuất năng lượng.
Quá trình khử nitrat trong xử lý thiếu khí
Trong hệ thống xử lý vi sinh, nitrat có thể được loại bỏ theo hai cách: vi sinh hấp thu nitrat để xây dựng tế bào khi không tiếp cận được nguồn amoni hoặc khử về dạng hợp chất nitơ có hóa trị thấp hơn. Nitrat – sản phẩm cuối cùng của quá trình oxy hóa amoni chưa được xem là bền vững và còn gây độc cho môi trường nên cần được tiếp tục chuyển hóa về dạng khí nitơ, tức là thực hiện một quá trình khử hóa học, chuyển hóa trị của nitơ từ +5 (NO3-) về hóa trị không (N2).
Để khử nitrat, vi sinh vật cần có chất khử (nitrat là chất oxy hóa), chất khử có thể là chất hữu cơ hoặc vô cơ như H2, S, Fe2+ .
Quá trình khử nitrat xảy ra theo bốn bậc liên tiếp nhau với mức độ giảm hóa trị của nguyên tố nitơ từ +5 về +3, +2, +1 và 0:
NO3- -> NO2- -> NO (khí) -> N2O (khí) -> N2 (khí) (4)
Công nghệ AO-MBBR (xử lý thiếu khí kết hợp hiếu khí, có bổ sung giá thể vi sinh MBBR) với việc lựa chọn kết hợp đan xen giữa quá trình xử lý thiếu khí (anoxic), hiếu khí (oxic), nước sau bể hiếu khí được tuần hoàn lại bể thiếu khí sẽ tận dụng được lượng cacbon khi khử BOD, do đó không phải cấp thêm lượng cacbon từ ngoài vào khi cần khử NO3-, tiết kiệm được 50% lượng oxy khi nitrat hóa khử NH4+ do tận dụng được lượng oxy từ quá trình khử NO3- đồng thời không tốn chi phí hóa chất như các phương pháp thông thường (VD phải bổ sung Methanol làm nguồn chất hữu cơ).
Việc bổ sung giá thể vi sinh có thành phần phụ gia nhằm thúc đẩy sự phát triển của tập đoàn vi sinh nitrat hóa (Nitrifier) và khử nitrat (Denitrifier). Nhờ có diện tích bề mặt riêng lớn, vi sinh vật có đủ điều kiện để bám dính và phát triển với mật độ cao, do đó thúc đẩy tốc độ, nâng cao hiệu quả xử lý và hiệu quả kinh tế cho hệ thống xử lý nước thải. So sánh với kỹ thuật bùn hoạt tính, kỹ thuật phản ứng dạng màng chuyển động giảm được 50 - 60% thể tích bể xử lý vi sinh.
Nước sau cụm bể thiếu khí – hiếu khí tự chảy sang bể lắng.
Bể lắng:
Bể lắng có chức năng lắng bùn cặn, xác vi sinh vật sau các bể vi sinh, đảm bảo độ trong của nước sau xử lý. Bố trí đường bơm tuần hoàn để cấp về bể thiếu khí. Phần bùn dư được xả về bể bùn và định kì thuê đơn vị có chức năng xử lý bùn thải hút bỏ hoặc qua máy ép bùn và tái sử dụng.
Khử trùng
Khử trùng để đảm bảo nước thải sau xử lý không còn các vi sinh vật gậy bệnh. Có nhiều phương pháp khử trùng như: dùng Javen, khử trùng bằng tia cực tím (UV), dùng clo viên...tùy yêu cầu và điều kiện của chủ đầu tư.
Liên hệ:
CÔNG TY TNHH DTS QUỐC TẾ
Địa chỉ: Số 63/71, Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Hà Nội
Điện thoại: 0965.511.655 (Mrs.Lan - Trưởng phòng Kinh Doanh)
Email: phongkinhdoanhdtsquocte@gmail.com
Website: dtsquocte.vn / kiemsoatonhiem.com