Xử lý ô nhiễm môi trường: Không tăng tốc, khó hoàn thành mục tiêu

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII có đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tuy nhiên với vấn đề chất thải rắn hiện nay, đặc biệt rác thải đô thị nếu không có những giải pháp tăng tốc, mục tiêu trên sẽ khó hoàn thành.

Nan giải “cuộc chiến” với rác thải

Đánh giá về vấn đề xử lý chất thải rắn, rác thải, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII nhận định: “Ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác chậm phát triển, còn lạc hậu”.

Đây là một thực tế, theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước là khoảng 16 triệu tấn/năm, ước tính mỗi năm tăng thêm 10%. 70% số rác thải này được xử lý bằng hình thức chôn lấp, nghĩa là hình thức “đơn giản” nhất, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn.

Còn Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra con số đáng lo ngại ở hai thành phố lớn: Tại TPHCM, mỗi ngày phát sinh thêm 13.000 tấn rác thải, trong đó có 8.300 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Còn trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 6.500 tấn/ngày.

Trong số rác thải đươc thu gom, chỉ số ít đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Phần lớn rác thải được xử lý trong các bãi chôn lấp với thiết kế không hợp vệ sinh, gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Hiện có gần 1.000 bãi chôn lấp ở Việt Nam nhưng chỉ có 30% được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng có các bãi chôn lấp lớn với diện tích tương ứng 85ha và 130ha. Chỉ có 9% bãi chôn lấp có cân trọng lượng, 36% có lớp lót đáy. Hầu hết các bãi chôn lấp không có máy đầm nén, hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác, hoặc hệ thống quan trắc môi trường.

Điển hình là tại Hà Nội, gần 20 năm qua, đã có 15 lần dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn - bãi rác lớn nhất thành phố. Mỗi lần như vậy, Hà Nội lại ngập trong rác. Ngay cả khi có kế hoạch mở rộng, bãi rác Nam Sơn cũng quá tải, trong khi đó các dự án xây dựng nhà máy đốt rác, điện rác chậm tiến độ.

Để xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, TP.Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng 4 nhà máy đốt rác lấy điện, trong đó có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Đây là dự án được UBND TP.Hà Nội chấp thuận từ 2017 với tổng vốn đầu tư 7000 tỉ bằng vốn nước ngoài. Tuy nhiên cho đến nay, dự án này đang chậm tiến độ và mới nhất Hà Nội đã phải ra văn bản yêu cầu Sở Xây dựng cùng các sở, ngành tổng hợp tình hình giải quyết các thủ tục cho Nhà máy điện rác Sóc Sơn, làm rõ các thủ tục đã, đang giải quyết, những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp, giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án này, hoàn thành, đưa vào vận hành trong tháng 1.2021.

Điều đáng nói là ngoài dự án này thì 3 dự án xử lý rác còn lại của Hà Nội cho đến nay cũng chậm tiến độ, có dự án còn chưa khởi công.

Không chỉ Hà Nội, ở những địa phương như Trà Vinh, Bến Tre, Phú Thọ… tình trạng các dự án xử lý rác thải chậm tiến độ, khó triển khai đang diễn ra. Tại Vĩnh Long, năm 2013, tỉnh này đã đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý rác công nghệ cao do Công ty cổ phần Xây dựng Phương Thảo làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 192 tỉ đồng, công suất 200 - 300 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, sau đó, nhà máy chỉ hoạt động 20% công suất thiết kế nên không đủ chi phí vận hành, trả lương cho công nhân. Cầm cự được khoảng 9 tháng, nhà máy đã “đắp chiếu”. Hay tại Trà Vinh, năm 2017, tỉnh này triển khai Dự án đầu tư xây dựng “Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh” tuy nhiên, 3 năm sau ngày khởi công, dự án này vẫn chưa thể hoạt động vì có nhiều sai sót. Dẫn đến việc lượng rác tập kết xung quanh nhà máy ngày càng lớn, mà không thể xử lý được, buộc tỉnh Trà Vinh phải bốc dỡ, vận chuyển sang Cần Thơ để xử lý.

Không tăng tốc, khó hoàn thành mục tiêu xử lý 90% chất thải

Dự thảo báo cáo tổng kết chiến lược phát triển KTXH trình Đại hội XIII đưa ra con số về môi trường: Đến năm 2020, 90% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 90,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 90%, trong đó có 53% đã lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động. Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý đạt 85,5%.

Mặc dù mục tiêu tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90% theo yêu cầu của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII cần xử lý rất nhiều vấn đề.

Trong đó, phân loại rác phải là việc cấp bách. Mới đây, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được trình Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh. Tại điều 78 của dự thảo luật còn quy định, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 76 Luật này. Hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Lộ trình hoàn thành thực hiện chậm nhất trước ngày 31.12.2024.

Theo các chuyên gia môi trường, đến nay công cuộc phân loại chất thải rắn tại nguồn vẫn không thực hiện được. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi có các nhà máy với công nghệ xử lý phù hợp thì vẫn rất khó để xử lý rác thải.

Tiếp theo, xử lý dứt điểm các dự án nhà máy xử rác chậm tiến độ, tạo cơ chế chính sách để tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng các nhà máy xử lý rác, nhất là các nhà máy điện rác, biến rác thành tài nguyên.

Dự thảo Báo cáo Chính trị yêu cầu “tập trung xử lý chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải gắn với hình thành chuỗi sản xuất tiếp nối, liên tục”. Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỉ lệ chất thải nguy hại được tiêu huỷ, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỉ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%... Tuy nhiên, với việc quản lý và xử lý rác thải đang là vấn đề “nóng” tại nhiều địa phương do quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh dẫn đến lượng rác thải phát sinh tăng đột biến như hiện nay nếu không tăng tốc vấn đề xử lý rác thải, sẽ khó hoàn thành mục tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 90% như Dự thảo Báo cáo...

zalo